Bài Mới

Các Khó Khăn Chủ Quán Cần Đối Mặt Khi Mở Rộng Kinh Doanh

Việc kinh doanh được phát triển và mở rộng luôn là mong muốn của bất kỳ chủ quán nào. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội thì sự mở rộng trong việc kinh doanh cũng sẽ mang đến không ít khó khăn. Chính vì thế, để việc mở rộng kinh doanh mang lại kết quả như mong đợi, các chủ quán cần biết đến những khó khăn phải đối mặt để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Với việc kinh doanh được phát triển, có không ít chủ quán cảm thấy bối rối và hoang mang, bởi quản lý và điều hành một quán nhỏ sẽ khác hoàn toàn với việc vận hành một quán lớn. Hoặc với 1 quán, bạn có thể trực tiếp giám sát để kịp thời xử lý những sự cố trong quá trình phục vụ, nhưng khi có thêm những chi nhánh khác, bạn sẽ gặp thách thức trong việc vận hành song song nhiều quán cùng lúc. Do đó, để không bị “khớp” khi việc kinh doanh phát triển, các chủ quán cần nắm rõ những khó khăn nhằm kịp thời đưa ra những chiến lược ứng phó thích hợp.

1. Thiếu đồng nhất trong chất lượng món ăn, đồ uống

Khó khăn đầu tiên mà các chủ quán thường gặp phải khi việc kinh doanh được mở rộng chính là sự giảm sút  chất lượng món ăn, đồ uống. Bởi khi mở rộng quy mô, đồng nghĩa với số lượng khách cần phục vụ nhiều hơn, các nhân viên hiện tại vốn chỉ quen với việc phục vụ cho số ít khách hàng sẽ dễ dàng gặp lúng túng. Vì vậy, sẽ phát sinh những lỗi sai mà trước đó họ vốn chưa bao giờ mắc phải. Vì để mở rộng kinh doanh, sẽ có những sự thay đổi đi kèm mà có thể nhân viên chưa kịp thực sự thích ứng, nên họ sẽ gặp khó khăn trong việc “bắt nhịp” với hoạt động hiện tại.

Khi việc kinh doanh được mở rộng, một thách thức bạn cần ứng phó là chất lượng món có thể không được đảm bảo (Nguồn: Internet)

Chẳng hạn, trước đó, quán của bạn có quy mô nhỏ, phục vụ khoảng 20 – 30 khách cùng lúc, nhân viên bến chỉ cần nhớ công thức của khoảng 4 – 5 món. Nhưng khi đã mở rộng và công suất phục vụ nâng cao, có thể lên đến 100 khách cùng thời điểm, lẽ dĩ nhiên, thực đơn bạn cần tăng lên 8 – 10 món. Lúc này, những nhân viên bếp vốn đã thuộc menu cũ sẽ dễ dàng phạm lỗi sai trong việc chế biến món mới, bởi họ chưa có đủ thời gian ghi nhớ. Vì vậy, chất lượng món có thể bị ảnh hưởng.

Hoặc đối với tình huống mở thêm các chi nhánh, dù bạn đã đào tạo và hướng dẫn nhân viên cẩn thận và kỹ lưỡng, nhưng do bạn không trực tiếp giám sát, họ cũng sẽ có dễ phạm những lỗi sai. Bởi các quản lý sẽ thường cho qua, vì họ dễ có tâm lý cho rằng những sai lầm đó là nhỏ và không gây ảnh hưởng đáng kể đến thương hiệu. Điển hình, nếu bạn trực tiếp vận hành, bạn sẽ biết được món có bị thiếu thành phần nguyên liệu dù là nhỏ nhất và kịp thời điều chỉnh để đảm bảo chất lượng món tốt nhất. Nhưng khi chi nhánh do nhân viên khác quản lý, họ sẽ có thể không chú ý đến những tiểu tiết như vậy, mà chỉ xử lý những sự cố quan trọng.

2. Sự không đồng đều của đội ngũ nhân viên

Một thách thức mà các chủ quán thường xuyên gặp phải khi mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu thương hiệu đã phát triển và trở thành chuỗi các cửa hàng, chính là sự không đồng đều đối với đội ngũ nhân viên. Bởi có không ít trường hợp, dù các thương hiệu đã có những khóa đào tạo trước khi chính thức làm việc cho nhân viên, nhưng khi bắt đầu phục vụ khách hàng, vẫn có những sơ suất nhất định. Đó có thể xuất phát từ việc nhân viên vẫn chưa thực sự quen với công việc, nhưng cũng có khi do nhân viên cẩu thả và không cẩn thận.

Sự chênh lệch giữa kỹ năng nhân viên là điều không thể tránh khỏi khi bạn mở rộng kinh doanh (Nguồn: Internet)

Đây gần như là tình huống mang tính “sát thương” cực cao cho thương hiệu của bạn. Bởi nếu khách hàng liên tục gặp phải những nhân viên làm việc không kỹ lưỡng khiến cho trải nghiệm bị ảnh hưởng, mà không được xử lý kịp thời, khách hàng sẽ ngay lập tức nói lời tạm biệt với quán của bạn. Các chủ quán cần có những phương án ứng phó bởi đây có thể nói là tình huống mọi thương hiệu đều gặp phải khi việc kinh doanh được phát triển. Cụ thể, những thương hiệu dù đã có tên tuổi, thậm chí là nổi tiếng toàn cầu, vẫn không tránh khỏi việc có một cửa hàng, nơi mà nhân viên không đảm bảo chất lượng phục vụ, khiến cho khách hàng phải phản ánh.

Ngoài ra, đối với các chủ quán có dự định mở rộng theo kiểu chuỗi thương hiệu, một nguyên nhân mà bạn cần có sự tính toán bởi có thể tạo nên sự chênh lệch về chất lượng nhân sự chính là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Thông thường, các nhân sự thường chỉ tập trung ở các thành phố lớn hoặc những khu vực trung tâm, vì thế, khi cần tuyển dụng nhân viên ở các khu vực vùng ven, bạn sẽ có ít lựa chọn hơn. Do đó, nếu bạn không có phương án quản lý hiệu quả, điều này sẽ tạo nên sự không đồng đều trong lực lượng, bởi nhân viên thường chủ quan và không thực sự nỗ lực để mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất. Vì họ hiểu rằng bạn không có nhiều nhân lực để có thể thay thế.

3. Kiểm soát nguồn tài chính

Song song với việc mở rộng quy mô kinh doanh, một vấn đề mà các chủ quán cũng cần ứng phó đó là việc kiểm soát nguồn tài chính. Khi việc kinh doanh bắt đầu phát triển, việc quản lý một quán lớn hơn hoặc cùng lúc nhiều cửa hàng sẽ khiến các chủ quán gặp thách thức trong việc kiểm soát tài chính. Bởi khi quy mô tăng lên, đồng nghĩa các khoản chi phí vận hành cũng sẽ có sự thay đổi, vì quán cần nhập thêm nguyên liệu, mở rộng mặt bằng, tuyển dụng thêm nhân viên… Nếu không có sự chuẩn bị và kế hoạch để giám sát tài chính, có không ít chủ quán gặp lao đao vì chưa kịp thích ứng. 

Các chủ quán cần có kế hoạch để có thể kiểm soát tài chính, một trong những thách thức khi mở rộng kinh doanh (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, việc phát triển quy mô kinh doanh còn khiến các chủ quán khó khăn trong quản lý tài chính, bởi dễ xảy ra tình trạng “vung tay quá trán”. Do khi mở rộng việc kinh doanh, bạn sẽ chưa thể đo lường được chính xác lượng khách hàng gia tăng thêm, nên khiến cho việc mua sắm nguyên liệu đôi khi chưa hợp lý. Nếu với quy mô trước đây, bạn có thể dễ dàng biết được số lượng khách đến mỗi ngày để có kế hoạch mua sắm thích hợp. Thì khi mới bắt đầu mở rộng, bạn chỉ có thể ước chừng số lượng khách tăng thêm, vì thế, mà nếu các chủ quán dự kiến kiểu “máy móc”, tức lấy số hiện tại nhân 2 hay nhân 3, sẽ khiến cho mức chi phí không được sử dụng hiệu quả, do dễ dẫn đến tình trạng dư thừa.

Có thể thấy, việc mở rộng kinh doanh vừa là cơ hội giúp cho các chủ quán nâng cao được lợi nhuận nhưng cũng vừa là thách thức bởi các chủ quán phải ứng phó với không ít khó khăn. Vì vậy, để việc mở rộng kinh doanh suôn sẻ và mang đến kết quả như mong đợi, các chủ quán sẽ cần biết rõ những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt để có phương hướng xử lý phù hợp.

Nguồn FnB Việt Nam

About Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa

Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa
Recommended Posts × +

0 comments:

Post a Comment