Bài Mới

Cách trà sữa trân châu ‘xâm chiếm’ nước Mỹ, từ đồ uống từng bị kỳ thị thành món được hàng loạt người nổi tiếng nhiệt tình lăng-xê

Ngay cả những chính trị gia như Hilary Clinton và Andrew Yang cũng muốn thu hút các cử tri trẻ gốc Á bằng cách tạo dáng chụp ảnh với cốc trà sữa trên tay.

Tháng 4 vừa qua, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng khan hiếm nguyên liệu, nhân công do đại dịch Covid-19 đã dẫn tới cuộc khủng hoảng trà sữa trân châu tại Mỹ.
Việc các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đưa tin về vấn đề này cho thấy sự phổ biến của trà sữa trân châu đối với người Mỹ. Cuối những năm 1990, một số chuyên gia cho rằng đồ uống này sẽ không có tiềm năng ở Mỹ. “Trà sữa sẽ chẳng đi đến đâu trừ khi bạn có một sức mạnh thần bí, cổ xưa nào đó của Trung Quốc khi uống nó”, Giám đốc Viện nghiên cứu Xu hướng Gerald Celente nhận định vào năm 1999.
Giờ đây, dù không đem lại sức mạnh cổ xưa nào nhưng trà sữa trân châu vẫn là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất trong số các đồ uống giải nhiệt của châu Á tại Mỹ và ở khắp châu Âu.
Năm 2013, nhóm nhạc kiêm diễn hài The Fung Brothers từng tuyên bố: “Hãy gọi chúng tôi là thế hệ boba (trà sữa trân châu)”. Từ đây, đồ uống này trở thành dấu hiệu nhận diện của người nhập cư gốc Á.
Trên Instagram, hashtag “boba” có hơn 2,4 triệu bài đăng trong khi meme về trà sữa trong các nhóm Facebook nổi tiếng như Subtle Asian Traits thường xuyên thu hút hàng trăm nghìn lượt thích.
2 ảnh chế về trà sữa trân châu trong nhóm Subtle Asian Traits (Ảnh: Internet).

Ở Mỹ, bạn có thể mua boba tại những cửa hàng bình dân và cả sang trọng. Ngay cả những chính trị gia như Hilary Clinton và Andrew Yang cũng muốn thu hút các cử tri trẻ gốc Á bằng cách tạo dáng chụp ảnh với cốc trà sữa trên tay.

Trà sữa trân châu đã đi lên từ một sản phẩm bị đánh giá là có tương lai mờ mịt ở Mỹ thành biểu tượng văn hóa đại chúng gắn liền với làn sóng nhập cư vào Bắc Mỹ. Đầu những năm 1990, trà sữa vẫn còn quá xa lạ với người Mỹ và chỉ được bán trong các cửa hàng Trung Quốc.
Mãi đến sau năm 1999, khi thương hiệu Saint’s Alp Teahouse của Đài Loan mở một cơ sở tại khu phố Tàu của thành phố New York, các thương hiệu boba châu Á mới thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, phần lớn những cửa hàng này đều thuộc sở hữu của người nhập cư. Trong khi các nhà hàng Trung Quốc ở nước ngoài thường điều chỉnh thực đơn để phù hợp với khẩu vị người Mỹ, nhiều quán trà sữa chỉ bán các loại đồ uống nguyên bản, chủ yếu dành cho người gốc Á.
Những cửa hàng này có vẻ đơn sơ so với ngày nay nhưng chúng vẫn là một phần không thể thay thế của nhiều người Mỹ gốc Hoa, một phần vì đây là đồ uống thay thế lành mạnh hơn so với đồ uống có cồn.
Theo thời gian, các cửa hàng trà sữa, với những chiếc ghế sofa giá rẻ và list nhạc pop châu Á, đã trở thành điểm lui tới phổ biến. Nhiều người Mỹ gốc Hoa trẻ tuổi đến đó để hẹn hò, làm bài tập về nhà hay gặp gỡ bạn bè.
Tuy nhiên, bên ngoài cộng đồng châu Á, trà sữa vẫn bị hoài nghi. Cho đến những năm 2010, khi thế hệ những người uống boba từ ngày trước lớn lên và có sức mạnh tiêu dùng, hàng loạt cửa hàng trà sữa mới đã mọc lên và thu hút nhóm khách hàng đa dạng hơn.
Những kệ siro đóng chai và bột ở cửa hàng cũ được thay thế bằng quầy trái cây tươi, sữa nguyên kem và trà. Cách trang trí ấm cúng nhưng trang nghiêm của các cửa hàng ban đầu cũng được chuyển sang thiết kế bắt mắt, hiện đại, sáng sủa và thích hợp để check-in trên mạng xã hội.
Ở một mức độ nào đó, sự phổ biến của trà sữa phản ánh sự gia tăng của người nhập cư Trung Quốc. Các tiệm trà sữa mới thường nằm ở trung tâm đô thị sang trọng hoặc gần trường đại học, nơi tập trung đông dân cư châu Á, thường là tầng lớp trung lưu.
Theo thời gian, thoát khỏi những kỳ thị ngày trước, trà sữa đã trở thành biểu tượng của châu Á. Tuy nhiên, không phải toàn bộ cộng đồng châu Á đều vui mừng vì trà sữa gắn liên với văn hóa và bản sắc châu Á ở phương Tây. Arong, một người Hàn Quốc sinh ra ở Anh, nói rằng anh thích uống trà sữa nhưng bác bỏ ý kiến cho rằng nó đại diện cho văn hóa quê hương của anh.

Sự nổi lên của trà sữa trân châu là một câu chuyện kinh điển về sự trao đổi và truyền tải giữa các nền văn hóa. Nhưng đó thực sự chỉ là điểm khởi đầu cho một hiện tượng thú vị hơn nhiều: sự di chuyển toàn cầu và sự năng động của nhiều thế hệ người nhập cư.
Nguồn FnB Việt Nam

About Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa

Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa
Recommended Posts × +

0 comments:

Post a Comment