Bài Mới

Các Thời Điểm Thích Hợp Để Bạn Cập Nhật Menu

Có lẽ với nhiều chủ quán, thực đơn sẽ là yếu tố không cần thay đổi qua thời gian, bởi các món ăn, đồ uống này đã tạo nên “tên tuổi” cho quán. Dù vậy, trong một số thời điểm nhất định, thương hiệu của bạn cần phải cập nhật thực đơn để tăng sức hút với khách hàng. Vì bất kể bạn đã kinh doanh trong thời gian dài ra sao, menu vẫn cần có sự thay đổi nhằm tạo sự mới mẻ cho khách hàng.

Với những cửa hàng thành công, các chủ quán sẽ luôn tin rằng thực đơn của quán là đã đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, nếu muốn việc kinh doanh của bạn phát triển và thành công hơn nữa, bạn sẽ cần thay đổi suy nghĩ này. Bởi có không ít thương hiệu lớn, sau hàng chục năm hoạt động, họ vẫn phải cập nhật thực đơn, để đảm bảo rằng menu phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Và nếu quán của bạn đang ở những thời điểm quan trọng sau, việc thay đổi menu sẽ giúp việc kinh doanh của bạn đạt kết quả tốt hơn.

1. Khi chi phí vận hành tăng

Giai đoạn mà bạn buộc phải cập nhật thực đơn chính là khi chi phí vận hành và hoạt động của quán liên tục tăng, hoặc phần lợi nhuận bạn nhận được liên tục giảm sút. Bởi điều này cho thấy, menu của bạn chưa đạt được sự tối ưu. Đó có thể là do có quá nhiều món ăn, đồ uống “kén khách”. Vì để chuẩn bị những món này, bạn phải tốn thêm một khoản chi phí nhằm đảm bảo rằng khi khách hàng muốn thưởng thức, quán của bạn có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng trong suốt quá trình hoạt động, hàng ngày chỉ có vài khách hàng gọi những món này, điều này khiến cho nguyên liệu sau thời gian dự trữ bị hư hỏng, và làm cho chi phí vận hành bị tăng lên.

Ngoài ra, nếu menu của bạn có quá nhiều món ăn, đồ uống cần trình bày, chế biến công phu với đa dạng nguyên liệu, cũng sẽ khiến cho chi phí vận hành bị ảnh hưởng. Bởi khi chẳng may rơi vào những tình huống bất khả kháng như dịch bệnh hay mất mùa, chi phí thực phẩm cũng theo đó mà tăng lên. Thì với việc phải mua sắm nhiều nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng chi phí hoạt động “chóng mặt”. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị những món ăn, đồ uống cầu kỳ cũng sẽ ảnh hưởng năng suất của nhân viên, điều này cũng gián tiếp tăng chi phí vận hành. Hãy tưởng tượng, giữa 1 món mất 15 phút chế biến và 1 món tốn 25 phút mới hoàn thành, chắc chắn hiệu suất có sự chênh lệch. Điều này sẽ khiến cho việc quán của bạn mất đi một lượng doanh thu đáng kể.

2. Khi cần tiếp cận khách hàng mới

Một thời điểm mà các chủ quán cũng cần cập nhật menu cho thương hiệu của mình, chính là khi bạn muốn tiếp cận phân khúc hoặc đối tượng khách hàng mới. Những khách hàng được xem là “mới” có thể là khi bạn chuyển sang nhóm khách hàng mới, chẳng hạn từ phân khúc khách văn phòng chuyển sang những khách hàng gia đình. Với việc đổi sang phục vụ một nhóm khách mới hoàn toàn, menu bạn bắt buộc phải có sự điều chỉnh. Bởi lẽ dĩ nhiên, mỗi phân khúc khách hàng sẽ có những nhu cầu khác nhau.

Cập nhật menu đúng thời điểm sẽ giúp bạn tiếp cận gần hơn với các khách hàng “mới” (Nguồn: Internet)

Và đôi khi khách hàng “mới” chính là những khách hàng đạt đến độ tuổi tiềm năng bạn hướng đến, điển hình nếu bạn vẫn giữ nguyên đối tượng khách hàng mục tiêu là giới trẻ. Thì trước đây, bạn sẽ phục vụ giới trẻ thuộc các thế hệ đi trước, còn ở hiện tại, gen Z chính là khách hàng trẻ của thương hiệu.

Bên cạnh đó, với những chủ quán muốn chuyển mình, để “trưởng thành” cùng với những khách hàng hiện tại, menu của quán vẫn cần có sự đổi mới. Cụ thể, nếu trước đây, bạn vốn phục vụ nhóm khách hàng là giới sinh viên, thì sau nhiều năm hoạt động, những vị khách này sẽ trở thành những khách hàng ở độ tuổi dân công sở. Lúc này, nếu muốn tiếp tục phục vụ những đối tượng khách này, thương hiệu của bạn cần có sự thay đổi để phù hợp với sở thích và thị hiếu của họ trong giai đoạn này.

3. Khi thay đổi quy mô kinh doanh

Và một thời điểm nữa menu của bạn cũng cần được cập nhật lại chính là khi quy mô kinh doanh của bạn có sự thay đổi, có thể là thu hẹp hoặc mở rộng. Lý giải cho việc này, chính là ở mỗi quy mô khác nhau, sẽ có những tiêu chuẩn mà bạn buộc phải đáp ứng, khi đó, khách hàng mới lựa chọn thương hiệu của bạn. Nếu không đạt được những chuẩn mực này, khách hàng sẽ khó mà đánh giá cao thương hiệu của bạn.

Hãy thử nghĩ xem, nếu trước đó bạn bắt đầu với một quầy hàng vỉa hè, lẽ dĩ nhiên, bạn có thể phục vụ khách hàng chỉ với 1 món ăn duy nhất. Nhưng khi việc kinh doanh của bạn phát triển và quy mô đã gia tăng đáng kể, khi này, bạn mở một quán nhỏ thì khi này, bạn sẽ chẳng thể làm hài lòng thực khách bằng 1 món độc nhất được. Mà bạn cần phải mở rộng menu của mình để có thể phục vụ thêm món. Một tình huống khác, nếu bạn lựa chọn bắt đầu với xe đẩy cà phê mang đi, bạn chỉ cần phục vụ 3 – 4 món đồ uống là đủ để giữ chân khách hàng. Đến khi bạn phát triển thành cửa hàng ngồi lại, thì bạn cần phải có menu đa dạng hơn, mới có thể thu hút được khách hàng.

Cập nhật menu không cần phải thực hiện thường xuyên, nhất là khi thương hiệu của bạn đã ghi dấu ấn với khách hàng bằng các món ăn, đồ uống đặc trưng. Tuy nhiên, có những thời điểm nhất định, bạn cần phải điều chỉnh menu để có thể thu hút được khách hàng. Nếu việc kinh doanh của bạn đang ở những giai đoạn này, hãy nhớ cập nhật thực đơn, bởi đây sẽ là yếu tố giúp bạn tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Nguôn FnB Việt Nam

About Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa

Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa
Recommended Posts × +

0 comments:

Post a Comment