Bài Mới

Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến… chuối chiên

Một shipper cho biết mệt mỏi nhất khi nhận đơn giao đồ ăn là nhiều khi phải đợi chờ rất lâu ở các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Khách hàng chờ lâu khó chịu một, chúng tôi xếp hàng chờ nhận món đi giao mệt mỏi mười”.

Với nhu cầu đặt đồ ăn uống, mua sắm qua mạng của người dân ngày càng tăng mạnh, ngoài yếu tố khuyến mãi thì tốc độ giao nhận hàng trở thành trọng điểm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Những giờ ăn trưa ở các thành phố lớn như TP.HCM luôn chứng kiến sự tấp nập của đội ngũ shipper (giao hàng) đồ ăn, thức uống ngay trước các công ty, tòa nhà cho thuê. Dịch bệnh COVID-19 và thời tiết không mấy dễ chịu, chợt mưa rồi chợt nắng đổ lửa, khiến xu hướng đặt mua đồ ăn qua mạng tăng mạnh.

Ăn uống phải giao ngay

Thường xuyên đặt đồ ăn, thức uống qua mạng, chị Ngọc Mai – nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1 – cho biết nhờ dịch vụ này mà chị và các đồng nghiệp không phải mất thời gian đi đến các quán ăn, chờ phục vụ. Thay vào đó, chị được thoải mái ăn uống ở công ty với máy lạnh mát mẻ, thêm thời gian nghỉ ngơi giữa trưa.

Anh Lê Minh Thuận, chủ chuỗi cửa hàng Bún cay Thái 2 Thuận, cho biết hơn 70% đơn hàng của quán đến từ ứng dụng. Tuy nhiên, do không thể chủ động quản lý đơn hàng, dẫn đến tình trạng khi thừa khi thiếu.

Cánh shipper cũng có nỗi “thống khổ” riêng với giao hàng đồ ăn uống. Anh Đình Khánh (H.Hóc Môn) cho biết mệt mỏi nhất khi nhận đơn giao đồ ăn là nhiều khi phải đợi chờ rất lâu ở các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Lúc cao điểm hoặc đắt hàng là cánh tài xế đứng xếp hàng dài cổ.

“Khách hàng chờ lâu khó chịu một, chúng tôi xếp hàng chờ nhận món đi giao mệt mỏi mười. Giá như hãng có công nghệ hay tính năng gì đó giúp các cửa hàng chuẩn bị đồ ăn, thức uống nhanh hơn, chúng tôi đến là có thể lấy hàng đi giao ngay thì quá tốt. Khách hàng vui vì đồ giao nhanh, chúng tôi đỡ mệt vì không phải chờ, lại có thể thực hiện thêm nhiều đơn hàng”, anh Khánh nói.

Chạy đua công nghệ phục vụ thực khách

Giao hàng nhanh đang là cuộc đua căng thẳng của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng cung cấp các dịch vụ liên quan, nhất là các ông lớn công nghệ. Chẳng hạn, vào đầu tháng 3 vừa qua, Gojek công bố hoàn thành triển khai ứng dụng GoBiz quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng với nhiều tính năng giúp tối ưu hóa quy trình giao đồ ăn trực tuyến.

Theo đó, thông qua GoBiz, người phụ trách nhà hàng, quán ăn có thể chủ động cập nhật thực đơn, tình trạng món ăn dựa trên thực tế nhà hàng tại từng thời điểm, dễ dàng chấp nhận hoặc thông báo hết hàng ngay khi nhận được đơn đặt hàng của khách hàng, đồng thời sắp xếp chuẩn bị đồ ăn để sẵn sàng ngay khi tài xế đến nhận hàng.

Grab VN cũng vừa nâng cấp công nghệ và cải thiện các tính năng nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng dịch vụ duyệt, đặt hàng và đợi giao đồ ăn GrabFood. Người dùng sẽ có 5 lựa chọn đặt món ăn khác nhau như: giao hàng theo yêu cầu, tự đến lấy đồ ăn, hẹn giờ giao đồ ăn, đặt hàng theo nhóm, kết hợp các món ăn.

Đặc biệt, ứng dụng GrabMerchant, được 95% đối tác nhà hàng của đơn vị này sử dụng, đã trở thành công cụ hữu ích giúp các đối tác quản lý và theo dõi đơn hàng một cách tiện lợi, quản lý và kiểm tra doanh thu ròng mỗi ngày, điều chỉnh thực đơn, hình ảnh, cũng như giờ đóng – mở cửa quán.

Ngoài ra, đối tác được hỗ trợ phân tích thói quen người dùng, thông tin món nào trong thực đơn bán chạy, người dùng thường đặt món gì chung với nhau… từ đó đưa ra khuyến nghị về các gói hoặc thực đơn phù hợp.

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, giám đốc phát triển kinh doanh GoFood của Gojek Việt Nam, cho biết khi trao đổi với các nhà hàng đang hoạt động trên GoFood, một trong những nhận định chung là dịch vụ đặt món ăn trực tuyến đang trở thành xu hướng mới được nhiều người sử dụng hơn.

“Với thị trường dịch vụ đa dạng, người tiêu dùng sẽ có nhiều kỳ vọng hơn về chất lượng dịch vụ, tốc độ giao hàng, sự đa dạng, hay ngay cả về giá. Trong đó, tốc độ giao hàng là một trong những tiêu chí quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm khi xem xét lựa chọn sử dụng một dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến”, ông Kiệt nói.

Các ông lớn đua giao hàng từ điện thoại di động đến... chuối chiên - Ảnh 2.
Shipper chạy như bay để kịp giao hàng cho khách trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giao nhận hàng hóa đua nhau từng giờ

Sôi động không kém cuộc đua tốc độ giao nhận đồ ăn thức uống là cuộc đua giao nhận hàng hóa, bưu kiện. Thay cho thời gian được tính bằng ngày, thậm chí tuần của các phương thức giao nhận truyền thống, các dịch vụ mới đang chạy đua giảm thời gian này xuống đơn vị bằng giờ, thậm chí chỉ 1 – 2 giờ.

Sau 6 tháng thử nghiệm, hệ thống bán lẻ Di Động Việt – đại lý ủy quyền chính thức của Apple tại VN – vừa công bố triển khai chương trình giao hàng chỉ trong 1 giờ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Di Động Việt, chương trình đã ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng đánh giá hài lòng vì vừa mua được hàng từ xa tiện lợi, chất lượng đảm bảo, mà lại được nhận hàng trong thời gian nhanh chóng.

Bà Ánh Hồng, giám đốc tiếp thị chuỗi bán lẻ 24hStore, cũng cho biết chuỗi này đã đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi: miễn phí giao hàng siêu tốc trong vòng 2 giờ. Nhân viên sẽ đem nhiều dòng máy, nhiều màu, nhiều dung lượng cho khách hàng thoải mái lựa chọn, miễn phí vệ sinh máy bằng tia UV trước khi giao, miễn phí hỗ trợ kỹ thuật tại nhà…

Trước đó, start-up y tế trực tuyến eDoctor ra mắt dịch vụ nhà thuốc trực tuyến nhathuoc.edoctor.io với cam kết giao hàng đến tay người mua tại TP.HCM trong vòng 2 giờ. “Dịch vụ nhà thuốc trên ứng dụng eDoctor giúp chúng tôi đem đến sự tiện lợi ngay trong lòng bàn tay cho người dân khi họ có thể ngồi nhà mua thuốc và được giao tận tay một cách nhanh chóng” – TS Huỳnh Phước Thọ, phó tổng giám đốc eDoctor, chia sẻ.

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay đang chứng kiến cuộc đua tốc độ giao nhận rất quyết liệt giữa các sàn thương mại điện tử lớn. Chẳng hạn, Tiki từ lâu nổi danh với dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee giao hàng trong 4 giờ với dịch vụ Shopee Express, Lazada mở dịch vụ giao hàng hỏa tốc… 

Nguồn: F&B Việt Nam

About Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa

Kinh nghiệm mở, kinh doanh quán tra sữa
Recommended Posts × +

0 comments:

Post a Comment